Chương trình Phát triển các trường sư phạm

Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (tên tiếng Anh: Enhancing Teacher Education Program), viết tắt là ETEP, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022, theo mô hình tài trợ dựa trên kết quả (PforR). Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản và điều phối.

Mục tiêu

Phát triển các trường sư phạm và cơ quan quản lý giáo dục được lựa chọn để tăng cường năng lực bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV&CBQLCSGDPT), thông qua mô hình phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Mục tiêu cốt lõi của ETEP là hình thành mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, phát triển năng lực đội ngũ GV&CBQLCSGDPT bằng nguồn học liệu mở và mạng lưới đồng nghiệp hỗ trợ tự bồi dưỡng, vừa trực tiếp, vừa qua mạng internet. Mạng lưới này được hình thành bởi chuyên gia của 8 trường ĐHSP/Học viện tham gia ETEP (gọi chung là các trường ĐHSP chủ chốt) và đội ngũ GV&CBQLCSGDPT cốt cán của 63 tỉnh, thành phố.

ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

  • Giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
  • Tám đơn vị được lựa chọn tham gia ETEP: Trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP-ĐH Thái Nguyên, Đại học Vinh, ĐHSP-ĐH Huế, ĐHSP-ĐH Đà Nẵng, ĐHSP Tp Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục.
  • Cán bộ quản lý, chỉ đạo về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

KẾT QUẢ CHỦ YẾU

  • Năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của các trường ĐHSP được tăng cường;
  • Đội ngũ GV&CBQLCSGDPT được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ với hệ thống học liệu mở, trên nền tảng công nghệ thông tin, đảm bảo chất lượng;
  • Các trường ĐHSP được hỗ trợ phát triển hệ thống nguồn học liệu mở có chất lượng dành cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông;
  • Nhu cầu, chất lượng, hiệu quả của chương trình bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT được đánh giá chính xác, kịp thời trên Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên (TEMIS).

Dự kiến, khoảng 28.000 giáo viên phổ thông (GVPT) cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) cốt cán tham gia tập huấn, bồi dưỡng, mỗi GVPT, CBQLCSGDPT cốt cán được bồi dưỡng 06 mô đun liên tục trong 3 năm. Đội ngũ cốt cán này cùng với chuyên gia của 8 trường ĐHSP chủ chốt sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục qua hệ thống LMS và sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường cho 850.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Hoạt động chính của ETEP

Tăng cường năng lực cho các trường ĐHSP chủ chốt để đào tạo và bồi dưỡng phát triển chuyên môn thường xuyên cho GV&CBQLCSGDPT có chất lượng, cụ thể:

  • Tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất cũng như thiết bị, năng lực quản trị, kết nối với cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục phổ thông của các trường ĐHSP chủ chốt.
  • Nâng cao chất lượng bồi dưỡng theo mô hình thường xuyên, liên tục, ngay tại trường cho GV&CBQLCSGDPT.
  • Hỗ trợ phát triển hệ thống nguồn học liệu mở trên nền tảng công nghệ thông tin.
  • Đánh giá nhu cầu, chất lượng và hiệu quả của chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

LỢI ÍCH CỦA GV & CBQLCSGDPT TỪ ETEP

  • Tham gia các hoạt động bồi dưỡng, truy nhập vào nguồn học liệu trên Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), tự học theo nhu cầu của cá nhân;
  • Tham gia cộng đồng mạng xã hội học tập dành cho GV&CBQLCSGDPT, tương tác, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm với các đồng nghiệp và các chuyên gia qua Hệ thống LMS;
  • Được GV/CBQLCSGDPT cốt cán hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên, ngay tại trường và được giảng viên các trường ĐHSP hỗ trợ qua mạng để phát triển năng lực nghề nghiệp;
  • Được đánh giá kết quả học tập và năng lực dựa trên chuẩn nghề nghiệp qua Hệ thống TEMIS;
  • Đáp ứng linh hoạt, chủ động ứng phó với những thay đổi của thực tiễn giáo dục, nhu cầu đa dạng của học sinh phổ thông và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.